Thứ Ba, 11 tháng 6, 2013

1. MỠ TRONG MÁU CAO CHỚ COI THƯỜNG!

Mỡ trong máu cao: chớ coi thường!



    Đây là loại bệnh đang ngày càng gia tăng theo nhịp độ phát triển của xã hội. Bệnh không có biểu hiện triệu chứng rõ rệt nhưng rất nguy hiểm bởi nhiều hậu quả khó lường... Hậu quả khó lường


Theo bác sĩ Trần Triệu Thanh Trúc - khoa tim mạch Bệnh viện (BV) cấp cứu Trưng Vương - mỡ (lipid) trong máu cao gồm có nguyên nhân nguyên phát: có tính chất gia đình (có người trong gia đình, họ hàng bị bệnh); thứ phát: do các bệnh khác như suy giáp, cường giáp, hội chứng thận hư, tiểu đường, suy tuyến yên, do rượu...

Một người khi bị mỡ trong máu thường không có triệu chứng biểu hiện rõ rệt. Đa số bệnh được phát hiện tình cờ do bệnh nhân (BN) đi khám sức khỏe tổng quát định kỳ hoặc đến khám vì triệu chứng của một bệnh khác như tiểu đường, cao huyết áp, hoặc đau bụng vùng thượng vị...
Bác sĩ Thanh Trúc cho biết rối loạn lipid máu nếu không được kiểm soát tốt sẽ dẫn đến nhiều loại bệnh nguy hiểm. Cụ thể, khi các loại lipid có hại tăng (tăng triglyceride, tăng LDL cholesterol) sẽ có sự lắng đọng các chất này ở thành mạch máu, gây xơ vữa mạch, nghĩa là thu hẹp lòng mạch máu. Nếu không điều trị, lớp mỡ này ngày càng dày lên và có thể làm tắc lòng mạch, hậu quả là lượng máu không đủ để nuôi các cơ quan.
Tùy theo vùng mạch máu bị tổn thương mà có các biểu hiện khác nhau: huyết áp quá cao hay gây tai biến mạch máu não, liệt nửa người; thiếu máu đến nuôi cơ tim gây cơn đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim; thiếu máu hay tắc mạch ở chân gây dấu hiệu chân đi cách hồi (chân lạnh tím đau khi đi một đoạn, phải ngồi nghỉ mới bớt đau), hoại tử tím đen bàn chân, ngón chân tùy theo vị trí mạch bị tắc; viêm tụy cấp.
Ăn kiêng và tập luyện
Bác sĩ Nguyễn Thị Hoa - trưởng khoa dinh dưỡng BV Nhi Đồng 1 - cho biết trẻ em bị béo phì cũng bị mỡ máu tăng cao. Nghiên cứu của bác sĩ Nguyễn Thị Hoa trên 330 bệnh nhi (BN) béo phì từ 24 tháng đến 15 tuổi cho thấy có 86,7% trẻ có tỉ lệ mỡ máu cao.
Trong đó có 74,3% BN tăng tryglyceride cao, 12,3% BN tăng cholesterol, 13,9% có LDL cao hơn mức bình thường và 11,7% có HDL thấp hơn bình thường. Ngoài ra còn có 60,9% BN bị gan nhiễm mỡ.
Bác sĩ Lý Huy Khanh - phó phòng kế hoạch tổng hợp BV Cấp cứu Trưng Vương - cho biết ở các nước phát triển, tử vong nhiều nhất do bệnh tim (32%) mà chủ yếu là do xơ vữa động mạch. Ở nước ta, xơ vữa động mạch với các biểu hiện bệnh suy vành, đột tử, nhồi máu cơ tim, nhồi máu não... ngày một gia tăng theo nhịp độ phát triển của xã hội.
Nam giới trên 40 tuổi và phụ nữ mãn kinh hoặc trên 50 tuổi, những người có yếu tố nguy cơ cao như hút thuốc lá, tăng huyết áp, người bệnh tiểu đường, béo phì vùng bụng, tiền sử gia đình có người bệnh tim mạch thì phải thường xuyên khám bệnh để phát hiện tình trạng tăng mỡ trong máu. Nếu không có yếu tố nguy cơ cao, theo dõi tối thiểu mỗi năm năm; nếu có yếu tố nguy cơ cao cần theo dõi mỗi năm.
Về điều trị, theo bác sĩ Thanh Trúc, hiện tượng tăng lipid máu có thể điều trị và kiểm soát được trước khi quá muộn. Việc điều chỉnh này trước hết phải bắt đầu từ chế độ ăn. Không nên vội vã dùng thuốc ngay. Nếu bị béo phì thì phải giảm cân; giảm ăn mỡ động vật mà thay vào đó nên ăn dầu thực vật, ăn nhiều cá, ăn nhiều rau quả, uống sữa đậu nành.
Nếu bị tăng cholesterol, nên bớt ăn các loại thực phẩm có chứa nhiều cholesterol như thận, óc, gan, trứng, bơ, tôm đồng...; hạn chế rượu bia, nhất là khi có tăng thành phần triglyceride. Đồng thời phải tăng cường hoạt động thể lực: thể dục vừa sức, đi bộ, bơi lội. Hoạt động thể lực giúp tăng HDL. Phải tập thể dục ít nhất 30 phút/ngày, đều đặn hằng ngày hoặc ba lần/tuần.
Nếu chỉ bị rối loạn mỡ máu ở mức độ nhẹ và vừa, chỉ cần thực hiện chế độ ăn kiêng có kết hợp giảm cân, khi không có kết quả thì mới dùng thuốc nhưng đồng thời vẫn phải duy trì chế độ ăn kiêng và luyện tập thể dục. Mỗi ba tháng kiểm tra lại các giá trị của lipid máu một lần.  
(Theo Tuổi Trẻ)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét